Thứ sáu, 19/04/2024

Tin KHCN

Nông nghiệp công nghệ cao mở lối cho tư duy kinh tế nông nghiệp

09:30 - 17/03/2022

Để sản xuất hiệu quả trong trạng thái “bình thường mới” an toàn với dịch COVID-19, nông nghiệp Việt Nam phải chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”.

Sản phẩm dưa trồng theo công nghệ cao của anh Nguyễn Huy Hào. Ảnh: TL
Những điển hình mới về "sản xuất xanh"
Từ 2 giống dưa nhập từ Nhật Bản, anh Nguyễn Huy Hào (TP.Cần Thơ) và  cộng sự đã nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia, lai tạo ra 2 giống dưa mới có tên gọi là dưa DeHa vỏ xanh ruột cam và  dưa lưới trắng HaVu. 2 loại dưa này có trọng lượng khá lớn (từ 2-5kg), mẫu mã đẹp, giòn, ngọt. Đặc biệt, thời gian canh tác 2 loại dưa này chỉ 75 ngày, mang lại lợi ích khá lớn.
“Toàn bộ khâu chăm sóc dưa lưới tại trang trại đều làm theo quy trình khép kín, sử dụng nguồn đất sạch và bón phân hữu cơ. Khi thụ phấn bằng ong, bã ong được tận dụng để tạo dinh dưỡng cho cây. Thân và lá dưa sau khi dọn trại cũng được tận dụng, kết hợp vỏ tôm để tạo ra đất trồng” – anh Nguyễn Huy Hào, cho biết.
Hợp tác xã (HTX)  Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng (Đông Anh, Hà Nội) cũng là đơn vị điển hình cho tư duy kinh tế nông nghiệp theo xu hướng "sản xuất xanh", kinh tế tuần hoàn với sản phẩm ống hút hữu cơ, an toàn với người tiêu dùng và thân thiện với môi trường.  
Ông Lê Văn Tám - Giám đốc HTX, cho biết: Với diện tích 1.500m2, HTX phát triển 6 mô hình nhà phủ màng công nghệ cao của Israel, chuyên sản xuất rau, củ, quả sạch theo hướng hữu cơ, chủ động nguồn cung nguyên liệu là rau, củ, quả để tạo ra loại ống hút thân thiện với môi trường để cung cấp cho các cửa hàng kinh doanh đồ uống, quán càphê và một số siêu thị của Hàn Quốc, Đức…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), hiện nay, trong lĩnh vực trồng trọt mới chỉ có cây lúa có mức độ cơ giới hóa cao ở nhiều khâu. Các loại cây trồng khác như: Mía, ngô, rau quả chỉ mới cơ giới hóa ở khâu làm đất, gieo hạt và chưa áp dụng được nhiều trong khâu thu hoạch, bảo quản, nhất là khâu sản xuất chế biến.
Để hỗ trợ nông dân nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, PGS.TS Nguyễn Đình Tùng – Viện trưởng Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp (RIAM) đã cùng nhóm cộng sự đã thành công trong việc thiết kế và chế tạo các hệ thống thiết bị sấy và sơ chế, chế biến nông sản quy mô công nghiệp. Sản phẩm có ưu điểm nổi trội là tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Từ khi được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, công trình nghiên cứu này đã được DN, người dân đánh giá rất cao. Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp đã đăng ký Bằng độc quyền sáng chế cho sản phẩm.
Chuyển tư duy "sản xuất nông nghiệp" sang tư duy "kinh tế nông nghiệp"
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, Việt Nam đã và đang hướng đến nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh phát triển mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị theo hướng công nghệ cao, đa dạng, bền vững.
Nông nghiệp công nghệ cao tạo ra sản phẩm “xanh“. Ảnh: TL
Do đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các ứng dụng ưu việt của công nghệ như: Sinh học, nhà kính, tưới nhỏ giọt, cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Đồng thời, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.
“Nông dân chuyên nghiệp" là biết sản xuất sao cho tiết kiệm nhất, để giá thành hợp lý nhất, mà vẫn bảo đảm chất lượng” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Hỗ trợ DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho cả người dân và DN. Các tiến bộ về khoa học công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Mức độ tổn thất của nông sản đã giảm đáng kể, trong đó tổn thất của lúa gạo đã giảm xuống dưới 10%...
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh: Để sản xuất hiệu quả trong trạng thái “bình thường mới” an toàn với dịch COVID-19, nông nghiệp Việt Nam phải chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”; chuyển từ nền nông nghiệp “sản lượng cao” sang “nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững” và đây là chìa khóa cho ngành nông nghiệp để phát triển bền vững.
Nguồn Báo Lao động

Đối tác

Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp - RIAM