[In trang]
Công trình nghiên cứu của RIAM đạt giải Nhất Giải thưởng Nhân tài Đất Việt
Thứ tư, 20/04/2022 - 17:57
Công trình "Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến ngô giống quy mô công nghiệp tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường" của Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp đã xuất sắc giành giải Nhất lĩnh vực khoa học công nghệ tại Giải thưởng Nhân tài Đất Việt lần thứ 16.
Chiều 15/4, Lễ trao giải Nhân tài Đất Việt lần thứ 16 đã diễn ra tại Hà Nội. Các tác giả, các nhà khoa học xuất sắc nhất trong 5 lĩnh vực gồm Công nghệ thông tin, Y dược, Khoa học công nghệ, Tài nguyên môi trường, Khuyến học-tự học thành tài đã chính thức được vinh danh. Trong đó, công trình "Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến ngô giống quy mô công nghiệp tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường" của PGS.TS Nguyễn Đình Tùng, ThS. Mai Thanh Huyền, ThS. Nguyễn Văn Tiến và các cộng sự thuộc Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp (RIAM), Bộ Công Thương đã giành giải Nhất lĩnh vực khoa học công nghệ với phần thưởng trị giá 200 triệu đồng. Được biết, năm 2019, công trình này của các nhà khoa học RIAM cũng đạt giải Nhất - Giải thưởng Sáng tạo Khoa học - công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) ở lĩnh vực tiết kiệm năng lượng.
Chia sẻ cảm xúc sau khi nhận giải, PGS.TS Nguyễn Đình Tùng - Viện trưởng Viện RIAM cho hay: "Chúng tôi đều rất vui và phấn khởi nhưng kèm theo đó là rất nhiều trăn trở, trách nhiệm. Việc được Ban tổ chức đánh giá cao trong vấn đề chuyên môn và xã hội thôi thúc chúng tôi làm sao phải luôn nâng cấp, cải tiến sản phẩm của mình để tốt hơn nữa. Mỗi cá nhân phải nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với giải thưởng mà mình đã được nhận, cũng như đáp ứng mong mỏi của doanh nghiệp và xã hội".
PGS.TS Nguyễn Đình Tùng (trái) nhận giải thưởng Nhân tài Đất Việt.
Theo PGST.TS Nguyễn Đình Tùng, nhóm nghiên cứu đã phải mất tới 3 năm để cho ra đời hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến ngô giống hoàn thiện. So với các sản phẩm hiện có trên thị trường, đây là hệ thống kiểu mới và có rất nhiều ưu điểm nổi trội. 
Một trong những đặc điểm đột phá của hệ thống này chính là khả năng tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Cụ thể, hệ thống do các nhà khoa học RIAM chế tạo có hệ thống dập tàn lửa, tro bụi tự động nên không gây ra khói bụi, không gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, hệ thống còn sử dụng nguồn năng lượng tái tạo nên thân thiện với môi trường, đồng thời giúp giảm phát thải khí nhà kính.
Đáng chú ý, nhờ việc cải tiến các lò đốt nhiên liệu rắn dùng khi sấy bắp và sấy lại hạt sau tẽ, sấy làm mát sau khi nhuộm màu xử lý và tận dụng nhiệt thải ra môi trường từ các lò này, hệ thống đã giúp tiết kiệm năng lượng đáng kể. Cụ thể, tại khâu sấy bắp và sấy hạt sau tẽ, hệ thống đã giúp tiết kiệm được 15-25% năng lượng nhiệt và 15 - 18% năng lượng điện. Còn tại khâu làm mát sau khi nhuộm màu xử lý, hệ thống giúp tiết kiệm được khoảng 20 - 30% năng lượng nhiệt. Tổng năng lượng tiết kiệm được trung bình khoảng 29,33 - 33,33% toàn hệ thống. 
PGS.TS Nguyễn Đình Tùng nhấn mạnh: "Với hệ thống này, chi phí năng lượng cũng tiết kiệm được từ 40-45% so với dây chuyền thiết bị của các nước châu Âu và 30-35% so với dây chuyền đến từ các nước châu Á".
Đặc biệt, hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến ngô giống quy mô công nghiệp của RIAM là một dây chuyền đồng bộ khép kín, được nghiên cứu và chế tạo 100% ở trong nước và tại viện RIAM. Chính điều này đã giúp giá thành đầu tư hệ thống chỉ bằng khoảng 25 - 30% so với giá thành nhập khẩu từ các nước châu Âu (Đức) và khoảng 40 - 50% so với từ các nước châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản) nhưng vẫn mang lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng tương đương. 
Được biết, hiện hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến ngô giống của RIAM đã được ứng dụng vào sản xuất ở Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất giống ngô Sông Bôi (Hòa Bình). PGS.TS Nguyễn Đình Tùng cũng chia sẻ thêm, từng công đoạn của dây chuyền đã và đang được ứng dụng ở rất nhiều nhà máy sản xuất giống trên cả nước.
"Khi bắt đầu tiếp cận các doanh nghiệp đã sử dụng qua dây chuyền của nước ngoài, chúng tôi gặp nhiều khó khăn vì họ đều nghĩ rằng sản phẩm nội khó có thể cạnh tranh về chất lượng với hàng nhập ngoại. Tuy nhiên, khi sử dụng thực tế, các doanh nghiệp đánh giá rất cao chất lượng dây chuyền của chúng tôi. Dây chuyền vừa đảm bảo chất lượng thành phẩm giống cao, trong khi giá thành lại rất thấp so với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài" - PGS.TS Nguyễn Đình Tùng nói.
Cùng với những hiệu quả về kinh tế, hệ thống dây chuyển đồng bộ tiết kiệm năng lượng còn đem lại hiệu quả xã hội như góp phần cải thiện điều kiện làm việc, an toàn lao động cho người lao động; góp phần tạo việc làm, cải thiện điều kiện sống đối với doanh nghiệp, bà con nông dân, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số tại Hòa Bình;...
Phát động từ tháng 7/2020, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt lần thứ 16 có chủ đề "Sức mạnh chuyển đổi số". Theo Ban tổ chức, năm nay, giải thưởng đã thu hút 7.000 thí sinh ở lứa tuổi từ 8 - 76 tuổi tham dự với 3.200 sản phẩm dự thi. Trong 16 năm qua, giải thưởng đã trao hơn 15 tỷ đồng cho các tác giả, nhóm tác giả.
Nguồn khcncongthuong.vn