Thứ năm, 25/04/2024

Tin hoạt động

Bước tiến trong lĩnh vực khí hóa phụ, phế phẩm nông nghiệp

11:40 - 17/03/2022

Đề tài đã có những cải tiến đáng kể trong lĩnh vực khí hóa phụ phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, lõi ngô giúp tiết kiệm năng lượng và giảm ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, việc sử dụng các phụ, phế thải nông nghiệp trong sinh hoạt ngày được dần thay thế bằng các nguồn nhiên liệu tiện ích hơn như điện, gas… Trong khi đó, nhiều cơ sở sản xuất và chế biến nông sản (lúa, ngô) cần nhiều năng lượng nhiệt không có khả năng tái tạo như than đá, hoặc một số loại nhiên liệu phải nhập từ nước ngoài như dầu FO, DO, Gas,.. gây tốn kém, lãng phí và ô nhiễm môi trường. Điều đó đã thôi thúc các nhà khoa học nghiên cứu công nghệ, thiết bị khí hóa nhằm tận thu hiệu quả nguồn phụ, phế thải nông nghiệp.
Cần thay thế những lò đốt than truyền thống để bảo đảm môi trường
Một số nghiên cứu, đề xuất về khí hóa phụ, phế thải nông nghiệp, nhưng chỉ dừng lại ở khâu thử nghiệm và ứng dụng ở quy mô nhỏ, lẻ. Từ 1/2013, Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp đã tiến hành đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị khí hóa liên tục quy mô công nghiệp sử dụng nguyên liệu từ các phụ, phế phẩm nông nghiệp (vỏ trấu, lõi ngô)”. Đây là nhiệm vụ thuộc “Chương trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phát triển ngành công nghiệp môi trường” thực hiện Đề án “Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”. Đề tài thực hiện đến tháng 12/2014 và nghiệm thu trong quý I/2015.
Cùng đó, viện tiến hành 2 bản thiết kế chế tạo 2 mẫu lò khí hóa sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp dưới dạng tự nhiên (vỏ trấu, lõi ngô) để thay thế lò đốt than truyền thống cho những nơi có vùng nhiên liệu, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do nguồn phụ phế thải nông nghiệp dư thừa và thích hợp với điều kiện sản xuất ở Việt Nam.
Đề tài đáp ứng hiệu quả cả về kinh tế và xã hội. So về giá thành trên đơn vị nhiệt trị (năng lượng) cho thấy giá nhiên liệu truyền thống (than đá) cao hơn sinh khối (vỏ trấu) khoảng 12 đến 18 lần. Khi vỏ trấu được khí hóa với hiệu suất khoảng 65%, thì chi phí thấp hơn 4,7 - 5,2 lần so với than đá; việc sử dụng vỏ trấu, lõi ngô(giá lõi ngô thấp hơn giá vỏ trấu) chi phí sẽ thấp hơn nhiều và hiệu quả kinh tế cao với việc sử dụng than đá, hoặc dầu diesel hoặc khí gas.
Mặt khác, việc nghiên cứu ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo từ sinh khối (biomass) vào sản xuất rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay ở Việt nam. Bởi chúng có rất nhiều ưu điểm như: nguồn nguyên liệu này có thể kiểm soát được, cùng một lúc vừa cung cấp nhiệt, vừa có thể sản xuất ra điện năng, hoặc đồng phát nhiệt- điện mà lại rất ổn định. Nó góp phần thể thay thế cho nguồn nhiên liệu truyền thống và các nguồn nhiên liệu khác như (than, dầu, khí…) vốn có những hạn chế như: gây ra ô nhiễm môi trường, ngày càng cạn kiệt, không có khả năng tái tạo, biến động về giá cả, chịu ảnh hưởng lớn của chính trị trên thế giới… Ngoài ra còn góp phần đáng kể vào mục tiêu chống thay đổi khí hậu, biến chất thải (phụ phẩm) của ngành nông, lâm nghiệp thành nguồn năng lượng nhiệt sạch.
Nguồn phụ phế thải nông nghiệp (vỏ trấu, lõi ngô) được sử dụng để chuyển đổi thành năng lượng theo công nghệ mới không những giải quyết được về sự thiếu hụt nguồn nhiên liệu hiện nay mà còn giải quyết được phần nào về ô nhiễm môi trường, ngoài ra còn góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cho xã hội nói chung và các doanh nghiệp chế biến nói riêng.
Nguồn Báo Công Thương

Đối tác

Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp - RIAM